Kĩ Năng Mềm Là Gì?

Nhà tuyển dụng thường xác định tìm kiếm ứng viên hội tụ đủ cả hai kĩ năng cứng và kĩ năng mềm. Kĩ năng cứng là những kĩ năng và kiến thức làm việc cụ thể mà bạn cần thể hiện trong công việc. Nhưng còn kĩ năng mềm là gì và chúng khác với kĩ năng cứng như thế nào?

Bạn có thể tích lũy kĩ năng cứng qua quá trình học tập, rèn luyện và thực hành trong công việc. Đây là những kĩ năng định lượng tiêu biểu mà bạn có thể dễ dàng xác định và đánh giá. Ví dụ như, một kĩ năng cứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể là lập trình máy tính, còn với một kĩ năng cứng của người thợ mộc sẽ là kiến thức về đóng gỗ.

Ngược lại, kĩ năng mềm là những kĩ năng thực hành xã hội. Những kĩ năng này khó có thể xác định và đánh giá hơn. Kĩ năng mềm bao gồm kĩ năng giao tiếp, lắng nghe, cảm thông và nhiều kĩ năng khác.

Trong khi kĩ năng cứng là liên quan trực tiếp đến công việc, hầu hết nhà tuyển dụng tìm kiếm những kĩ năng mềm giống nhau ở mọi ứng viên.

Hãy đọc bài viết sau để có khái niệm chi tiết về kĩ năng mềm và vài bí quyết nhấn mạnh chúng trong quá trình tìm việc làm của bạn.

         Kĩ năng mềm thật sự là gì?

Kĩ năng mềm là nét đặc trưng của mỗi cá nhân, biểu hiện của tính cách, thể hiện môi trường xã hội cụ thể và khả năng giao tiếp cần có cho sự thành công trong công việc. Kĩ năng mềm biểu trưng cho cách một người tương tác với những người khác trong các mối quan hệ của mình.

Khác với kĩ năng cứng có thể học được, kĩ năng mềm giống như cảm xúc hay nội tâm, cho phép chúng ta “hiểu” người khác. Những kĩ năng này khó có thể học được trong các lớp học truyền thống, cũng như khó có thể đo lường và đánh giá. Đây cũng là một thách thức dành cho người tìm việc làm.

Kĩ năng mềm bao gồm thái độ, khả năng giao tiếp, lối tư duy sáng tạo, tích cực trong công việc, làm việc nhóm, xây dựng mạng lưới, đưa ra quyết định, lạc quan, quản lí thời gian, khả năng khích lệ, sự linh hoạt, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và giải quyết xung đột.

         Vì sao nhà tuyển dụng quan tâm đến kĩ năng mềm?

Thật dễ hiểu vì sao nhà tuyển dụng chọn những ứng viên tìm việc làm sở hữu những kĩ năng cứng cụ thể. Suy cho cùng, nếu bạn muốn thuê một thợ mộc, thì người này cần phải có kĩ năng làm nghề mộc.

Tuy nhiên, kĩ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong thành công của hầu hết tất cả doanh nghiệp. Nhìn chung, gần như mọi công việc đều yêu cầu nhân viên gắn bó với nhau theo một cách nào đó. Do đó, có thể tương tác tốt với nhau là quan trọng trong mọi công việc.

Một lí do khác nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên có kĩ năng mềm là vì kĩ năng mềm có thể được ứng dụng trong bất kì công việc nào. Theo đó, ứng viên có kĩ năng mềm sẽ có khả năng thích nghi nhanh khi có nhu cầu kiếm việc làm khác.

Đồng thời, vì kĩ năng mềm được tích lũy theo thời gian, khác với kĩ năng có thể đạt được qua lớp học hoặc chương trình rèn luyện, nên những ai sở hữu kĩ năng mềm thường được xem là có nền tảng sâu rộng và độc đáo, có thể giúp môi trường công ty phong phú và vận hành hiệu quả hơn.

         Bí quyết làm nổi bật kĩ năng mềm của bạn

Đầu tiên, hãy lập danh sách những kĩ năng mềm bạn có phù hợp với kế hoạch kiếm việc làm của bạn. Hãy nhìn trong mục yêu cầu tuyển dụng và khoanh tròn những kĩ năng mềm bạn có và so sánh chúng với nhau. Những kĩ năng nào được nhắc đến? Những kĩ năng nào bạn cho là sẽ hữu dụng nhất trong công việc? Hãy lập danh sách từ ba đến năm kĩ năng mềm thật sự cần thiết.

Sau đó, hãy nêu những kĩ năng mềm này trong CV. Bạn có thể nêu trong mục Kĩ năng.

Bạn cũng có thể dùng chúng như những từ khóa xuyên suốt CV, đề cập chúng trong phần Tiểu sử, và Lịch sử làm việc.

Bạn cũng có thể nhắc đến những kĩ năng mềm này trong đơn xin việc. Trong số những kĩ năng đó, hãy chọn ra một hoặc hai để làm từ khóa quan trọng nhất khi bạn kiếm việc làm. Trong đơn, hãy cung cấp dẫn chứng chứng minh bạn sở hữu những kĩ năng cụ thể này.

Cuối cùng, bạn có thể nhấn mạnh kĩ năng mềm trong buổi phỏng vấn tìm việc làm. Bạn có thể đưa ra ví dụ về thời điểm bạn thể hiện những kĩ năng này trong công việc trước. Tuy nhiên, bạn cũng có thể minh họa kĩ năng của mình ngay tại buổi phỏng vấn. Ví dụ như, bằng cách thể hiện sự thân thiện và dễ gần trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ chứng minh năng lực tương tác của mình. Và bằng cách thể hiện sự tập trung khi nhà tuyển dụng nói, bạn sẽ chứng minh kĩ năng lắng nghe của mình. Những hành động này sẽ là minh họa rõ nét kĩ năng mềm của bạn cho nhà tuyển dụng thấy.