Việc Làm Thêm Tốt Dành Cho Sinh Viên

Trong quãng thời gian học đại học, thời gian rảnh có thể rất quý giá, nhưng khi các khoản chi phí tăng lên, thì một công việc làm thêm hoặc bán thời gian là cách tốt để giải quyết vấn đề kinh tế mà vẫn đảm bảo bạn còn đủ thời gian cho việc học và các hoạt động ngoại khóa.

Nếu bạn là sinh viên đại học đang tìm việc làm, thì địa điểm tốt nhất để bạn bắt đầu công cuộc kiếm việc làm là ngay tại trường đại học. Có hàng tấn cơ hội làm thêm trong trường, và vì là sinh viên, bạn sẽ mặc nhiên được ưu tiên tuyển vào. Thêm nữa, tìm việc làm tại trường sẽ giảm bớt thời gian di chuyển và có thể là cách tuyệt vời để kết nối với những nguồn học thuật và chuyên nghiệp trong trường. Hãy kiểm tra văn phòng hướng nghiệp hoặc văn phòng tuyển dụng ở trường để nhận hỗ trợ kiếm việc làm. Nếu bạn đang nhận hỗ trợ tài chính giáo dục, thì cũng hãy xem thử có vị trí làm thêm trống nào trong chương trình vừa học vừa làm của trường bạn không.

Tất nhiên là cũng có những cơ hội làm bán thời gian ngoài trường đại học nữa. Hãy dành ra ít thời gian tìm hiểu sâu về loại hình công việc làm thêm phù hợp, mà bạn đồng thời vẫn có đủ thời gian hoàn thành việc học. Ngoài ra, hãy thử xem xét những công việc trực tuyến, làm ca chiều tối hoặc công việc tự do, những cơ hội việc làm mà bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian biểu của mình.

1. Thủ thư

Nếu bạn lo rằng mình sẽ không có đủ thời gian cho việc học, thì hãy thử kiếm việc làm trong thư viện.

Tránh nhiệm công việc thường gồm giám sát khu tự học để đảm bảo một môi trường yên tĩnh. Đây là một công việc khá đơn giản, nhưng lại có nhiều thời gian chết – có nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều thời gian để đọc sách, làm bài tập về nhà hoặc ôn tập cho kì kiểm tra.

Nếu thư viện hiện không tuyển thủ thư, thì bạn hãy thử sức với những vị trí khác như phòng in, photo tài liệu hoặc phòng kiểm kê sách.

2. Trợ giảng

Nếu bạn là sinh viên năm trên, thì bạn có thể làm trợ giảng cho những lớp năm nhất. Trong khi giảng viên thường là sinh viên đã tốt nghiệp, thì làm trợ giảng sẽ chịu trách nhiệm nhẹ nhàng hơn, gồm những công việc như phân phát bài tập hoặc làm giám thị trong giờ kiểm tra.

3. Hướng dẫn viên

Nếu bạn là sinh viên năm cuối, năm ba hoặc thậm chí là năm hai, thì cơ hội dành cho bạn là bạn biết rõ về trường đại học của mình. Sao không tận dụng kiến thức này và làm việc cho bộ phận tuyển sinh của trường? Bộ phận tuyển sinh cần có những sinh viên thân thiện, cởi mở để làm hướng dẫn viên cho cá nhân hoặc nhóm tân sinh viên, và tư vấn cho những sinh viên tương lai tiềm năng về ngôi trường mới này.

4. Chấm điểm

Các lớp năm nhất thường có đến tận 500 sinh viên. Như vậy sẽ có rất nhiều bài kiểm tra cần chấm, nên giáo sư thường thuê sinh viên trong khoa làm công việc chấm điểm. Mặc dù đây là một công việc khó khăn, nhưng khối lượng công việc chỉ nhiều lên vào mùa kiểm tra, như thế bạn sẽ có nhiều thời gian cho việc học và sở thích ngoại khóa.

5. Gia sư

Có nhiều cơ hội làm gia sư trong trường đại học, và đây là một lựa chọn làm thêm sáng suốt vì bạn có thể sắp xếp thời gian làm việc.

Nếu trường bạn có trung tâm dạy thêm, thì hẳn bạn sẽ có thể ứng tuyển vị trí gia sư. Ngoài ra, những trường mạnh về chương trình thể dục thể thao thường thuê gia sư làm việc với các vận động viên.

6. Trợ lí khoa

Hãy đến một khoa nào đó (ví dụ như chuyên ngành của bạn là tiếng Anh, thì hãy thử đến khoa Anh) và hỏi về cơ hội làm việc. Khoa có khối lượng công việc rất lớn, và đôi khi họ thuê sinh viên làm việc văn phòng bán thời gian.

Mặc dù bạn có thể tìm việc làm ở bất kì khoa nào, nhưng thường thì khoa sẽ ưu tiên cho sinh viên của họ trước. Thêm nữa, nếu bạn làm việc trong khoa của mình, bạn sẽ có cơ hội tốt để xây dựng mạng lưới quan hệ với các giáo sư trong khoa.

7. Hỗ trợ công nghệ trường

Nếu bạn am hiểu máy tính hoặc học chuyên ngành Công nghệ, thì hãy kiếm việc làm tại trung tâm Tin học của trường. Nhiều trường đại học cung cấp hỗ trợ công nghệ gần như suốt ngày cho cả sinh viên và giáo sư. Thời gian làm việc thường khá linh động vì có nhiều ca làm khác nhau.

8. Trợ lí hoạt động sinh viên

Nếu bạn không phải là một kĩ thuật viên, thì vẫn còn một cơ hội khác dành cho bạn. Hãy tìm hiểu xem trường đại học của bạn có hội, nhóm chuyên trách các hoạt động cho sinh viên không. Tất cả các sự kiện được hội sinh viên tổ chức – như khiêu vũ, văn nghệ, hòa nhạc, chương trình hài, đóng kịch,… đòi hỏi rất nhiều việc phải làm. Bạn không những sẽ được trả lương, mà còn có cơ hội xem biểu diễn miễn phí khi làm việc.

9. Quản trị viên tại trường

Bạn hẳn biết trong trường có rất nhiều văn phòng – văn phòng quản lí kí túc xá sinh viên, văn phòng hướng nghiệp, phòng y tế, văn phòng quản lí cựu sinh viên, và thậm chí văn phòng trưởng khoa. Đây là những nơi tuyệt vời để tìm công việc bán thời gian, vì tọa lạc ngay tại trường và họ thường ưu tiên thuê sinh viên.

Đồng thời, đây là một cách tốt để làm quen với trường đại học. Bạn có thể tìm hiểu về những cơ hội học thuật hoặc chuyên nghiệp trong khoa mà bạn chưa từng biết đến trước đó.

10. Nhân viên hiệu sách

Hầu hết trường đại học có một hiệu sách trực thuộc chuyên bán giáo trình, tài liệu của trường, cũng như đồng phục và các vật dụng học tập khác. Nếu trường của bạn có một cửa hiệu, thì hãy tìm hiểu cơ hội tuyển dụng ở đây. Không chỉ thuận tiện vì chỗ làm ở ngay trong trường, mà bạn còn có thể nhận những ưu đãi giảm giá dành cho nhân viên khi mua sách, trang phục hoặc những vật dụng khác.

11. Trông trẻ

Đừng vội bỏ qua ý tưởng làm trông trẻ chỉ vì bạn đang học đại học. Người trông trẻ thường kiếm được mức lương khá cao (thường dao động từ 200 000 đến 350 000 một giờ, và đôi khi thậm chí là 450 000 một giờ), và có rất nhiều khung giờ để làm việc, tùy theo độ tuổi của đứa nhỏ mà bạn trông. Thêm nữa, bạn vẫn có thể có cơ hội tranh thủ làm bài tập trong những khoảng thời gian chết.

Các giáo sư và những nhân viên khác trong trường đại học thường ưu ái thuê sinh viên trường làm trông trẻ. Nếu bạn yêu trẻ, thì hãy thử tìm cơ hội trong trường.

Kĩ Năng Đa Nhiệm

KCó rất ít công việc không yêu cầu kĩ năng đa nhiệm. Trong thế giới việc làm ngày nay, nhân viên hiếm khi có được diễm phúc chỉ tập trung vào một nhiệm vụ khi đi làm.

Hầu hết công việc đòi hỏi nhân viên phải cân bằng giữa những yêu cầu đầy cạnh tranh về thời gian và sức lực của họ, và nhà tuyển dụng thường muốn bạn có thể đảm nhận nhiều ưu tiên công việc. Thậm chí khi bạn không cho rằng mình có thể làm được nhiều như thế, thì thật ra bạn luôn giải quyết nhiều nhiệm vụ trong phần lớn thời gian.

Khi bạn tìm việc làm, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết liệu bạn có khả năng giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ không. Vậy nên, một điều quan trọng trong vòng phỏng vấn tìm việc làm là hãy sẵn sàng chia sẻ ví dụ minh họa cách bạn giải quyết nhiều nhiệm vụ hoặc nhiều dự án trong quá khứ.

         Đa nhiệm là gì?

Đa nhiệm là khả năng luân chuyển giữa các hoạt động làm việc khác nhau và hướng sự tập trung từ nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác.

Một cách lí tưởng là, nhân viên có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều bên liên quan khác nhau mà không làm hỏng việc. Hiểm họa của việc đa nhiệm là tính hiệu quả giảm sút do nhân viên cố gắng thực hiện cùng lúc quá nhiều nhiệm vụ.

Công nghệ hiện đại khiến vấn đề phức tạp hơn cho nhân viên vì họ phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu qua thư điện tử, tin nhắn văn bản, cuộc gọi điện thoại và cả gặp trực tiếp. Điều đó hình thành thói quen kiểm tra điện thoại, thư điện tử trong khi đang làm việc với những nhiệm vụ khác.

Những công việc yêu cầu sự tập trung cao độ vào nhiều nhiệm vụ phức tạp và cả khả năng tương tác thường xuyên với người khác sẽ đặc biệt vô cùng thách thức cho người kiếm việc làm. Thật khó để tập trung khi bạn đang cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc, và điều quan trọng là vẫn có thể đảm bảo khối lượng công việc.

         Cách đa nhiệm thành công

Những người kiếm việc làm có khả năng đa nhiệm hiệu quả phải có thể xoay chuyển sự tập trung của mình một cách mượt mà và tuyệt đối từ công việc này đến công việc khác. Để đa nhiệm thành công, nhân viên phải có khả năng xác định ưu tiên nhiệm vụ và thực hiện những yêu cầu quan trọng nhất trước.

Và một điều cũng vô cùng quan trọng là biết khi nào đa nhiệm là một ý tưởng tồi. Có những công việc và nhiệm vụ nhất định mà bạn cần tập trung vào làm chỉ một việc. Hãy nhận thức rõ điều này, để khi tham dự phỏng vấn tìm việc làm, bạn biết cách trả lời phù hợp với công việc bạn nhắm đến.

         Vài ví dụ về đa nhiệm trong nhiều công việc khác nhau

– Trả lời điện thoại khi tiếp đón khách trong khu vực tiếp tân đầy bận rộn.

– Làm việc với ba dự án thiết kế đồ họa khác nhau trong những giai đoạn hoàn thành khác nhau.

– Hoàn thành năm đơn đặt hàng món ăn khác nhau cùng một lúc.

– Thiết kế một trang web mới khi đang cập nhật những trang khác.

– Kỉ luật một học sinh trong khi đang giảng bài.

– Lái xe buýt khi đang làm dịu một hành khách sử dụng những lời lẽ thô tục.

– Nhận cuộc gọi từ các nhà đầu tư đang bực dọc khi quản lí những danh mục đầu tư trong thời kì suy thoái kinh tế.

– Quản lí nhiều tài khoản mạng xã hội trong khi làm việc tiếp thị qua thư điện tử.

– Giám sát giao thông hàng không và điều khiển không lưu.

– Xử lí tài liệu cho nhiều hợp đồng bất động sản.

– Xử lí giấy tờ bảo hiểm, lên lịch họp, gặp gỡ bệnh nhân và trả lời điện thoại trong văn phòng.

– Chỉnh sửa các chương trình máy tính trong khi đáp ứng nhu cầu của người dùng nội bộ.

– Xếp lịch làm việc cho nhân viên trong khi quản lí trách nhiệm công việc của họ.

– Phục vụ đồ uống, xuất hóa đơn, ghi gọi món và mang thức ăn lên khi vẫn còn nóng cho thực khách.

– Viết bản đánh giá hiệu suất trong khi nhận cuộc gọi từ sếp và tìm người thay thế cho một nhân viên vắng mặt.

         Cách minh họa kĩ năng

Nếu bạn đang kiếm việc làm trong một vị trí có yêu cầu cụ thể ứng viên phải sở hữu kĩ năng đa nhiệm mạnh mẽ, thì trước khi dự phỏng vấn, một ý hay là bạn hãy ngồi xuống và liệt kê những ví dụ thể hiện sự đa nhiệm của bạn trong các công việc trước đây hoặc, nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, thì trong các khóa học lúc trước của bạn.

Một khi bạn có hai hoặc ba ví dụ, bạn sẽ có nhiều điều để thể hiện hơn với nhà tuyển dụng rằng bạn là một siêu sao đa nhiệm mà họ hằng tìm kiếm.

Kĩ Năng Mềm Là Gì?

Nhà tuyển dụng thường xác định tìm kiếm ứng viên hội tụ đủ cả hai kĩ năng cứng và kĩ năng mềm. Kĩ năng cứng là những kĩ năng và kiến thức làm việc cụ thể mà bạn cần thể hiện trong công việc. Nhưng còn kĩ năng mềm là gì và chúng khác với kĩ năng cứng như thế nào?

Bạn có thể tích lũy kĩ năng cứng qua quá trình học tập, rèn luyện và thực hành trong công việc. Đây là những kĩ năng định lượng tiêu biểu mà bạn có thể dễ dàng xác định và đánh giá. Ví dụ như, một kĩ năng cứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể là lập trình máy tính, còn với một kĩ năng cứng của người thợ mộc sẽ là kiến thức về đóng gỗ.

Ngược lại, kĩ năng mềm là những kĩ năng thực hành xã hội. Những kĩ năng này khó có thể xác định và đánh giá hơn. Kĩ năng mềm bao gồm kĩ năng giao tiếp, lắng nghe, cảm thông và nhiều kĩ năng khác.

Trong khi kĩ năng cứng là liên quan trực tiếp đến công việc, hầu hết nhà tuyển dụng tìm kiếm những kĩ năng mềm giống nhau ở mọi ứng viên.

Hãy đọc bài viết sau để có khái niệm chi tiết về kĩ năng mềm và vài bí quyết nhấn mạnh chúng trong quá trình tìm việc làm của bạn.

         Kĩ năng mềm thật sự là gì?

Kĩ năng mềm là nét đặc trưng của mỗi cá nhân, biểu hiện của tính cách, thể hiện môi trường xã hội cụ thể và khả năng giao tiếp cần có cho sự thành công trong công việc. Kĩ năng mềm biểu trưng cho cách một người tương tác với những người khác trong các mối quan hệ của mình.

Khác với kĩ năng cứng có thể học được, kĩ năng mềm giống như cảm xúc hay nội tâm, cho phép chúng ta “hiểu” người khác. Những kĩ năng này khó có thể học được trong các lớp học truyền thống, cũng như khó có thể đo lường và đánh giá. Đây cũng là một thách thức dành cho người tìm việc làm.

Kĩ năng mềm bao gồm thái độ, khả năng giao tiếp, lối tư duy sáng tạo, tích cực trong công việc, làm việc nhóm, xây dựng mạng lưới, đưa ra quyết định, lạc quan, quản lí thời gian, khả năng khích lệ, sự linh hoạt, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và giải quyết xung đột.

         Vì sao nhà tuyển dụng quan tâm đến kĩ năng mềm?

Thật dễ hiểu vì sao nhà tuyển dụng chọn những ứng viên tìm việc làm sở hữu những kĩ năng cứng cụ thể. Suy cho cùng, nếu bạn muốn thuê một thợ mộc, thì người này cần phải có kĩ năng làm nghề mộc.

Tuy nhiên, kĩ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong thành công của hầu hết tất cả doanh nghiệp. Nhìn chung, gần như mọi công việc đều yêu cầu nhân viên gắn bó với nhau theo một cách nào đó. Do đó, có thể tương tác tốt với nhau là quan trọng trong mọi công việc.

Một lí do khác nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên có kĩ năng mềm là vì kĩ năng mềm có thể được ứng dụng trong bất kì công việc nào. Theo đó, ứng viên có kĩ năng mềm sẽ có khả năng thích nghi nhanh khi có nhu cầu kiếm việc làm khác.

Đồng thời, vì kĩ năng mềm được tích lũy theo thời gian, khác với kĩ năng có thể đạt được qua lớp học hoặc chương trình rèn luyện, nên những ai sở hữu kĩ năng mềm thường được xem là có nền tảng sâu rộng và độc đáo, có thể giúp môi trường công ty phong phú và vận hành hiệu quả hơn.

         Bí quyết làm nổi bật kĩ năng mềm của bạn

Đầu tiên, hãy lập danh sách những kĩ năng mềm bạn có phù hợp với kế hoạch kiếm việc làm của bạn. Hãy nhìn trong mục yêu cầu tuyển dụng và khoanh tròn những kĩ năng mềm bạn có và so sánh chúng với nhau. Những kĩ năng nào được nhắc đến? Những kĩ năng nào bạn cho là sẽ hữu dụng nhất trong công việc? Hãy lập danh sách từ ba đến năm kĩ năng mềm thật sự cần thiết.

Sau đó, hãy nêu những kĩ năng mềm này trong CV. Bạn có thể nêu trong mục Kĩ năng.

Bạn cũng có thể dùng chúng như những từ khóa xuyên suốt CV, đề cập chúng trong phần Tiểu sử, và Lịch sử làm việc.

Bạn cũng có thể nhắc đến những kĩ năng mềm này trong đơn xin việc. Trong số những kĩ năng đó, hãy chọn ra một hoặc hai để làm từ khóa quan trọng nhất khi bạn kiếm việc làm. Trong đơn, hãy cung cấp dẫn chứng chứng minh bạn sở hữu những kĩ năng cụ thể này.

Cuối cùng, bạn có thể nhấn mạnh kĩ năng mềm trong buổi phỏng vấn tìm việc làm. Bạn có thể đưa ra ví dụ về thời điểm bạn thể hiện những kĩ năng này trong công việc trước. Tuy nhiên, bạn cũng có thể minh họa kĩ năng của mình ngay tại buổi phỏng vấn. Ví dụ như, bằng cách thể hiện sự thân thiện và dễ gần trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ chứng minh năng lực tương tác của mình. Và bằng cách thể hiện sự tập trung khi nhà tuyển dụng nói, bạn sẽ chứng minh kĩ năng lắng nghe của mình. Những hành động này sẽ là minh họa rõ nét kĩ năng mềm của bạn cho nhà tuyển dụng thấy.