Việc Làm Thêm Tốt Dành Cho Sinh Viên

Trong quãng thời gian học đại học, thời gian rảnh có thể rất quý giá, nhưng khi các khoản chi phí tăng lên, thì một công việc làm thêm hoặc bán thời gian là cách tốt để giải quyết vấn đề kinh tế mà vẫn đảm bảo bạn còn đủ thời gian cho việc học và các hoạt động ngoại khóa.

Nếu bạn là sinh viên đại học đang tìm việc làm, thì địa điểm tốt nhất để bạn bắt đầu công cuộc kiếm việc làm là ngay tại trường đại học. Có hàng tấn cơ hội làm thêm trong trường, và vì là sinh viên, bạn sẽ mặc nhiên được ưu tiên tuyển vào. Thêm nữa, tìm việc làm tại trường sẽ giảm bớt thời gian di chuyển và có thể là cách tuyệt vời để kết nối với những nguồn học thuật và chuyên nghiệp trong trường. Hãy kiểm tra văn phòng hướng nghiệp hoặc văn phòng tuyển dụng ở trường để nhận hỗ trợ kiếm việc làm. Nếu bạn đang nhận hỗ trợ tài chính giáo dục, thì cũng hãy xem thử có vị trí làm thêm trống nào trong chương trình vừa học vừa làm của trường bạn không.

Tất nhiên là cũng có những cơ hội làm bán thời gian ngoài trường đại học nữa. Hãy dành ra ít thời gian tìm hiểu sâu về loại hình công việc làm thêm phù hợp, mà bạn đồng thời vẫn có đủ thời gian hoàn thành việc học. Ngoài ra, hãy thử xem xét những công việc trực tuyến, làm ca chiều tối hoặc công việc tự do, những cơ hội việc làm mà bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian biểu của mình.

1. Thủ thư

Nếu bạn lo rằng mình sẽ không có đủ thời gian cho việc học, thì hãy thử kiếm việc làm trong thư viện.

Tránh nhiệm công việc thường gồm giám sát khu tự học để đảm bảo một môi trường yên tĩnh. Đây là một công việc khá đơn giản, nhưng lại có nhiều thời gian chết – có nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều thời gian để đọc sách, làm bài tập về nhà hoặc ôn tập cho kì kiểm tra.

Nếu thư viện hiện không tuyển thủ thư, thì bạn hãy thử sức với những vị trí khác như phòng in, photo tài liệu hoặc phòng kiểm kê sách.

2. Trợ giảng

Nếu bạn là sinh viên năm trên, thì bạn có thể làm trợ giảng cho những lớp năm nhất. Trong khi giảng viên thường là sinh viên đã tốt nghiệp, thì làm trợ giảng sẽ chịu trách nhiệm nhẹ nhàng hơn, gồm những công việc như phân phát bài tập hoặc làm giám thị trong giờ kiểm tra.

3. Hướng dẫn viên

Nếu bạn là sinh viên năm cuối, năm ba hoặc thậm chí là năm hai, thì cơ hội dành cho bạn là bạn biết rõ về trường đại học của mình. Sao không tận dụng kiến thức này và làm việc cho bộ phận tuyển sinh của trường? Bộ phận tuyển sinh cần có những sinh viên thân thiện, cởi mở để làm hướng dẫn viên cho cá nhân hoặc nhóm tân sinh viên, và tư vấn cho những sinh viên tương lai tiềm năng về ngôi trường mới này.

4. Chấm điểm

Các lớp năm nhất thường có đến tận 500 sinh viên. Như vậy sẽ có rất nhiều bài kiểm tra cần chấm, nên giáo sư thường thuê sinh viên trong khoa làm công việc chấm điểm. Mặc dù đây là một công việc khó khăn, nhưng khối lượng công việc chỉ nhiều lên vào mùa kiểm tra, như thế bạn sẽ có nhiều thời gian cho việc học và sở thích ngoại khóa.

5. Gia sư

Có nhiều cơ hội làm gia sư trong trường đại học, và đây là một lựa chọn làm thêm sáng suốt vì bạn có thể sắp xếp thời gian làm việc.

Nếu trường bạn có trung tâm dạy thêm, thì hẳn bạn sẽ có thể ứng tuyển vị trí gia sư. Ngoài ra, những trường mạnh về chương trình thể dục thể thao thường thuê gia sư làm việc với các vận động viên.

6. Trợ lí khoa

Hãy đến một khoa nào đó (ví dụ như chuyên ngành của bạn là tiếng Anh, thì hãy thử đến khoa Anh) và hỏi về cơ hội làm việc. Khoa có khối lượng công việc rất lớn, và đôi khi họ thuê sinh viên làm việc văn phòng bán thời gian.

Mặc dù bạn có thể tìm việc làm ở bất kì khoa nào, nhưng thường thì khoa sẽ ưu tiên cho sinh viên của họ trước. Thêm nữa, nếu bạn làm việc trong khoa của mình, bạn sẽ có cơ hội tốt để xây dựng mạng lưới quan hệ với các giáo sư trong khoa.

7. Hỗ trợ công nghệ trường

Nếu bạn am hiểu máy tính hoặc học chuyên ngành Công nghệ, thì hãy kiếm việc làm tại trung tâm Tin học của trường. Nhiều trường đại học cung cấp hỗ trợ công nghệ gần như suốt ngày cho cả sinh viên và giáo sư. Thời gian làm việc thường khá linh động vì có nhiều ca làm khác nhau.

8. Trợ lí hoạt động sinh viên

Nếu bạn không phải là một kĩ thuật viên, thì vẫn còn một cơ hội khác dành cho bạn. Hãy tìm hiểu xem trường đại học của bạn có hội, nhóm chuyên trách các hoạt động cho sinh viên không. Tất cả các sự kiện được hội sinh viên tổ chức – như khiêu vũ, văn nghệ, hòa nhạc, chương trình hài, đóng kịch,… đòi hỏi rất nhiều việc phải làm. Bạn không những sẽ được trả lương, mà còn có cơ hội xem biểu diễn miễn phí khi làm việc.

9. Quản trị viên tại trường

Bạn hẳn biết trong trường có rất nhiều văn phòng – văn phòng quản lí kí túc xá sinh viên, văn phòng hướng nghiệp, phòng y tế, văn phòng quản lí cựu sinh viên, và thậm chí văn phòng trưởng khoa. Đây là những nơi tuyệt vời để tìm công việc bán thời gian, vì tọa lạc ngay tại trường và họ thường ưu tiên thuê sinh viên.

Đồng thời, đây là một cách tốt để làm quen với trường đại học. Bạn có thể tìm hiểu về những cơ hội học thuật hoặc chuyên nghiệp trong khoa mà bạn chưa từng biết đến trước đó.

10. Nhân viên hiệu sách

Hầu hết trường đại học có một hiệu sách trực thuộc chuyên bán giáo trình, tài liệu của trường, cũng như đồng phục và các vật dụng học tập khác. Nếu trường của bạn có một cửa hiệu, thì hãy tìm hiểu cơ hội tuyển dụng ở đây. Không chỉ thuận tiện vì chỗ làm ở ngay trong trường, mà bạn còn có thể nhận những ưu đãi giảm giá dành cho nhân viên khi mua sách, trang phục hoặc những vật dụng khác.

11. Trông trẻ

Đừng vội bỏ qua ý tưởng làm trông trẻ chỉ vì bạn đang học đại học. Người trông trẻ thường kiếm được mức lương khá cao (thường dao động từ 200 000 đến 350 000 một giờ, và đôi khi thậm chí là 450 000 một giờ), và có rất nhiều khung giờ để làm việc, tùy theo độ tuổi của đứa nhỏ mà bạn trông. Thêm nữa, bạn vẫn có thể có cơ hội tranh thủ làm bài tập trong những khoảng thời gian chết.

Các giáo sư và những nhân viên khác trong trường đại học thường ưu ái thuê sinh viên trường làm trông trẻ. Nếu bạn yêu trẻ, thì hãy thử tìm cơ hội trong trường.