Kĩ Năng Đa Nhiệm

KCó rất ít công việc không yêu cầu kĩ năng đa nhiệm. Trong thế giới việc làm ngày nay, nhân viên hiếm khi có được diễm phúc chỉ tập trung vào một nhiệm vụ khi đi làm.

Hầu hết công việc đòi hỏi nhân viên phải cân bằng giữa những yêu cầu đầy cạnh tranh về thời gian và sức lực của họ, và nhà tuyển dụng thường muốn bạn có thể đảm nhận nhiều ưu tiên công việc. Thậm chí khi bạn không cho rằng mình có thể làm được nhiều như thế, thì thật ra bạn luôn giải quyết nhiều nhiệm vụ trong phần lớn thời gian.

Khi bạn tìm việc làm, nhà tuyển dụng sẽ muốn biết liệu bạn có khả năng giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ không. Vậy nên, một điều quan trọng trong vòng phỏng vấn tìm việc làm là hãy sẵn sàng chia sẻ ví dụ minh họa cách bạn giải quyết nhiều nhiệm vụ hoặc nhiều dự án trong quá khứ.

         Đa nhiệm là gì?

Đa nhiệm là khả năng luân chuyển giữa các hoạt động làm việc khác nhau và hướng sự tập trung từ nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác.

Một cách lí tưởng là, nhân viên có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều bên liên quan khác nhau mà không làm hỏng việc. Hiểm họa của việc đa nhiệm là tính hiệu quả giảm sút do nhân viên cố gắng thực hiện cùng lúc quá nhiều nhiệm vụ.

Công nghệ hiện đại khiến vấn đề phức tạp hơn cho nhân viên vì họ phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu qua thư điện tử, tin nhắn văn bản, cuộc gọi điện thoại và cả gặp trực tiếp. Điều đó hình thành thói quen kiểm tra điện thoại, thư điện tử trong khi đang làm việc với những nhiệm vụ khác.

Những công việc yêu cầu sự tập trung cao độ vào nhiều nhiệm vụ phức tạp và cả khả năng tương tác thường xuyên với người khác sẽ đặc biệt vô cùng thách thức cho người kiếm việc làm. Thật khó để tập trung khi bạn đang cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc, và điều quan trọng là vẫn có thể đảm bảo khối lượng công việc.

         Cách đa nhiệm thành công

Những người kiếm việc làm có khả năng đa nhiệm hiệu quả phải có thể xoay chuyển sự tập trung của mình một cách mượt mà và tuyệt đối từ công việc này đến công việc khác. Để đa nhiệm thành công, nhân viên phải có khả năng xác định ưu tiên nhiệm vụ và thực hiện những yêu cầu quan trọng nhất trước.

Và một điều cũng vô cùng quan trọng là biết khi nào đa nhiệm là một ý tưởng tồi. Có những công việc và nhiệm vụ nhất định mà bạn cần tập trung vào làm chỉ một việc. Hãy nhận thức rõ điều này, để khi tham dự phỏng vấn tìm việc làm, bạn biết cách trả lời phù hợp với công việc bạn nhắm đến.

         Vài ví dụ về đa nhiệm trong nhiều công việc khác nhau

– Trả lời điện thoại khi tiếp đón khách trong khu vực tiếp tân đầy bận rộn.

– Làm việc với ba dự án thiết kế đồ họa khác nhau trong những giai đoạn hoàn thành khác nhau.

– Hoàn thành năm đơn đặt hàng món ăn khác nhau cùng một lúc.

– Thiết kế một trang web mới khi đang cập nhật những trang khác.

– Kỉ luật một học sinh trong khi đang giảng bài.

– Lái xe buýt khi đang làm dịu một hành khách sử dụng những lời lẽ thô tục.

– Nhận cuộc gọi từ các nhà đầu tư đang bực dọc khi quản lí những danh mục đầu tư trong thời kì suy thoái kinh tế.

– Quản lí nhiều tài khoản mạng xã hội trong khi làm việc tiếp thị qua thư điện tử.

– Giám sát giao thông hàng không và điều khiển không lưu.

– Xử lí tài liệu cho nhiều hợp đồng bất động sản.

– Xử lí giấy tờ bảo hiểm, lên lịch họp, gặp gỡ bệnh nhân và trả lời điện thoại trong văn phòng.

– Chỉnh sửa các chương trình máy tính trong khi đáp ứng nhu cầu của người dùng nội bộ.

– Xếp lịch làm việc cho nhân viên trong khi quản lí trách nhiệm công việc của họ.

– Phục vụ đồ uống, xuất hóa đơn, ghi gọi món và mang thức ăn lên khi vẫn còn nóng cho thực khách.

– Viết bản đánh giá hiệu suất trong khi nhận cuộc gọi từ sếp và tìm người thay thế cho một nhân viên vắng mặt.

         Cách minh họa kĩ năng

Nếu bạn đang kiếm việc làm trong một vị trí có yêu cầu cụ thể ứng viên phải sở hữu kĩ năng đa nhiệm mạnh mẽ, thì trước khi dự phỏng vấn, một ý hay là bạn hãy ngồi xuống và liệt kê những ví dụ thể hiện sự đa nhiệm của bạn trong các công việc trước đây hoặc, nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, thì trong các khóa học lúc trước của bạn.

Một khi bạn có hai hoặc ba ví dụ, bạn sẽ có nhiều điều để thể hiện hơn với nhà tuyển dụng rằng bạn là một siêu sao đa nhiệm mà họ hằng tìm kiếm.

Những Kĩ Năng Giao Tiếp Dành Cho Người Tìm Việc

Dù cho công việc bạn đang ứng tuyển là gì, nhà tuyển dụng sẽ luôn muốn bạn có kĩ năng giao tiếp và kĩ năng viết xuất sắc. Tùy thuộc vào vị trí mà bạn sẽ cần phải có thể giao tiếp hiệu quả với nhân viên, quản lí và khách hàng khi gặp trực tiếp, trực tuyến, qua văn bản và trên điện thoại.

         Cách thể hiện kĩ năng giao tiếp

Nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên có kĩ năng giao tiếp và kĩ năng viết nổi trội cho hầu hết mọi vị trí. Cách tốt nhất để chứng minh với họ rằng bạn hội tụ những điều họ cần là gì?

Đơn xin việc của bạn thường là nơi đầu tiên nhà tuyển dụng xem xét khả năng viết của bạn. Bên cạnh việc minh họa năng lực ngữ pháp của mình, bạn cũng sẽ thể hiện cách bạn soạn đơn đi vào đúng trọng tâm và lôi cuốn người đọc. Hãy dành thời gian để viết một lá đơn xin việc tập trung vào những kĩ năng bạn có phù hợp nhất với công việc.

Cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại là nơi bạn thể hiện kĩ năng giao tiếp của mình. Bạn có cảm thấy thoải mái khi trò chuyện trong những hoàn cảnh khác nhau? Nếu bạn biết rằng đây không phải thế mạnh của mình, thì hãy chắc chắn chuẩn bị kĩ trước cho buổi phỏng vấn tìm việc làm. Bạn càng luyện tập nhiều, bạn càng dễ thể hiện khả năng giao tiếp tốt của mình hơn.

Và, cũng như những kĩ năng khác, khả năng giao tiếp của bạn sẽ được minh họa trong mục lịch sử làm việc. Trong bộ hồ sơ tìm việc làm và trong vòng phỏng vấn, bạn có thể thu hút sự chú ý vào cách bạn trình bày ví dụ minh họa kĩ năng giao tiếp của mình trong những công việc trước.

Vài công việc yêu cầu những kĩ năng khác, vì vậy hãy xem trước thông tin tuyển dụng để biết người sử dụng lao động đang tìm điều gì ở ứng viên. Sau đó, hãy dành thời gian để chọn ra thông tin nào của mình phù hợp với yêu cầu công việc, như thế bạn sẽ có thể thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn là một ứng viên hoàn hảo cho vị trí.

Cuối cùng, khi bạn xem qua thông tin công việc, hãy đánh dấu những trình độ chuyên môn và kĩ năng cụ thể được đề cập trong đó và hãy chắc chắn kết hợp những từ khóa đó trong đơn xin việc và CV của bạn. Mặc dù làm vậy trông như đang lặp lại phần thông tin đăng tuyển, nhưng nhiều nhà tuyển dụng ngày nay sử dụng hệ thống quét đơn xin việc để xếp hạng ứng viên dựa theo số lượng từ khóa phù hợp. Dưới đây là danh sách những từ khóa thường được tìm kiếm nhất trong các bộ hồ sơ kiếm việc làm.

Hãy xem danh sách sau để bạn có thể làm nổi bật hồ sơ và vòng phỏng vấn của mình.

         Những kĩ năng giao tiếp hàng đầu

1. Kĩ năng viết

Viết tốt là một phần chính trong việc thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Nhiều người không thể viết tốt nhưng lại có tài năng trong lĩnh vực khác. Dù vậy, người ta lại hay nhầm lẫn giữa họ với những người chậm phát triển. Viết tồi không chỉ làm việc trao đổi ý tưởng và thông tin kém hiệu quả, mà còn khiến bạn bị mất điểm nhanh chóng hơn bất kì điều gì khác. Học cách viết tốt có một công dụng thêm quan trọng; vì một văn bản rõ ràng, dễ đọc thì cũng được trình bày tốt, có trọng tâm và súc tích, nên học viết cũng dạy cho bạn khả năng nói và tư duy tốt hơn.

Những từ khóa liên quan: quảng cáo, kể chuyện kinh doanh, quản lí nội dung, chiến lược nội dung, trả lời thư, chỉnh sửa, gửi e-mail, Microsoft Office, viết phát biểu, viết kĩ thuật, viết.

2. Kĩ năng giao tiếp bằng lời

Kĩ năng giao tiếp bằng lời quan trọng đối với những ai kiếm việc làm trong môi trường truyền thống và cho những nhân viên đảm nhận nhiệm vụ chính là liên lạc qua điện thoại. Trong khi tài năng giao tiếp bằng lời là quan trọng nhất cho những ai làm trong lĩnh vực buôn bán, chăm sóc khách hàng và quan hệ công chúng, thì cả những ai phải tương tác trực tiếp với cấp trên và đồng nghiệp cũng cần có thể trình bày ý tưởng rõ ràng và cô đọng.

Những từ khóa liên quan: phát âm rõ, trình bày rõ, súc tích, thuyết phục, giải thích, đa ngôn ngữ, đàm phán, thuyết trình, quảng bá, nói trước công chúng, nói, điện thoại, giao tiếp bằng lời.

3. Kĩ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

Giao tiếp phi ngôn ngữ bao gồm giọng điệu, giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ hình thể và nhiều điều khác. Giao tiếp phi ngôn ngữ thường chứa đựng nhiều thông tin hơn lời nói và có tác động lớn hơn tới mối quan hệ và lòng tin. Hãy học những kí hiệu phi ngôn ngữ bạn cần để thể hiện bản thân thật tốt. Và nếu bạn có ngôn ngữ hình thể không đúng chuẩn (ví dụ như, nếu bạn bị tự kỉ hoặc có vài khiếm khuyết trên cơ thể), bạn sẽ cần phải tìm cách để tránh hoặc điều chỉnh những điều gây hiểu lầm.

Những từ khóa liên quan: tự tin, thể hiện, kĩ năng sống, lắng nghe, suy nghĩ nhanh, hình dung.

4. Thân thiện và tôn trọng

Sự tôn trọng, lịch sự và thân thiện đơn giản kết hợp với nhau sẽ giúp xây dựng mối quan hệ và cải thiện việc giao tiếp. Đơn giản là hãy tử tế và biết quan tâm đến mọi người. Hãy nói “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi” khi cần. Hãy nhớ hỏi thăm người khác và lắng nghe câu trả lời của họ. Hãy nhớ ngày sinh nhật và sở thích của người khác – ghi chú lại nếu bạn cần. Nhưng vài biểu hiện tôn trọng sẽ khác nhau tùy theo mỗi nền văn hóa và không phải lúc nào cũng giống nhau. Bạn cần phải học từ môi trường bạn lựa chọn kiếm việc làm.

Những từ khóa liên quan: cộng tác, quản lí xung đột, lịch sự, ngoại giao, thông cảm, thân thiện, giao tiếp, thúc đẩy, cởi mở, xã hội, xây dựng đội ngũ, làm việc nhóm.

5. Chọn đúng phương tiện giao tiếp

Kĩ năng giao tiếp có thể bằng gặp mặt trực tiếp, bằng thư tay, thư điện tử, điện thoại, tin nhắn hoặc video. Mỗi phương tiện có ưu và nhược điểm riêng, và chúng phần nào có những ảnh hưởng khác nhau đến thông tin mà bạn muốn truyền đạt. Vài lời nhắn sẽ phù hợp hơn khi được gửi bằng một loại phương tiện này thay vì những loại khác. Ví dụ như, hầu hết mọi người mong nhận tin xấu bằng gặp mặt trực tiếp. Nhưng người ta cũng có vô số cách lựa chọn phương tiện trả lời tin nhắn.

Ví dụ như, những người thiếu tự tin vào kĩ năng giao tiếp bằng văn bản thường chọn trò chuyện qua điện thoại. Nhiều người khác thích có thời gian và không gian để nghiền ngẫm qua thư điện tử và sẽ chủ động tránh các cuộc gọi.

Tất nhiên là bạn cũng có phương tiện phù hợp riêng, nhưng một phần của kĩ năng giao tiếp tốt là có thể xác định loại hình nào đối tác của mình ưa chuộng, tùy thuộc theo từng tình huống, và có đủ linh hoạt để vận dụng chúng.

Giao tiếp tốt là một trong những kĩ năng thường được tìm kiếm và những ai hội tụ kĩ năng này sẽ có lợi thế đáng kể trong quá trình tìm việc làm của mình. May mắn thay, bạn hoàn toàn có thể tích lũy kĩ năng giao tiếp.

Những từ khóa liên quan: khéo léo, động não, tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy hợp lí, tiếp thị, truyền thông xã hội, công nghệ truyền thông và thông tin.