Qua khảo sát trực tiếp nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp, cùng với nhu cầu tìm việc làm của sinh viên sắp tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và nhu cầu học nghề của học sinh các trường trung học phổ thông, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin tìm việc làm thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tuyển lao động phổ thông và lao động chất lượng cao có xu hướng tăng mạnh, chiếm hơn 50% tổng nhu cầu tuyển dụng. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp luôn ở mức cao, nhưng nguồn cung lại đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Bất cập trong khâu tuyển dụng
Dựa theo báo cáo từ các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nổi bật với sàn việc làm quận Thủ Đức diễn ra gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động qua đào tạo, lao động có tay nghề, lao động có nghề chuyên môn của thành phố lên đến hơn 65%. Số lượng việc làm TP.Hồ Chí Minh thuộc các ngành nghề có nhu cầu tuyển nhiều lao động gồm có các nhóm ngành Cơ khí, Kiến trúc – Xây dựng, Du lịch, Dịch vụ y tế, Kĩ thuật công trình xây dựng, Vận tải, Kho bãi, Xuất nhập khẩu, Công nghệ Ô tô – Xe máy, Quản lí điều hành kiểm định chất lượng, Kế toán, Kiểm toán, Hóa chất, Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Dầu khí – Địa chất, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Điện – Điện tử – Điện lạnh – Điện công nghiệp – Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, Kinh doanh, Bán hàng,…
Các doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh như Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam và Công ty TNHH DV&ĐT Gia An, đang cần tuyển số lượng lớn người lao động nhưng lại gặp không ít khó khăn, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty đối tác. Mặc dù các doanh nghiệp tích cực đăng tin tức tuyển dụng trên báo, đài, tham dự các hội chợ, sàn giao dịch việc làm, những buổi hội thảo, tư vấn hướng nghiệp, cũng như qua các trang web tìm việc làm uy tín, thậm chí sử dụng cả mạng xã hội như Facebook,… cùng với việc công khai những thông tin ưu đãi về mức lương, hạ tiêu chuẩn tuyển dụng, nâng cấp khu lưu trú với đầy đủ trang thiết bị, tổ chức các chương trình sinh hoạt tập thể để người lao động vui chơi, giải trí,… nhưng số lượng người tìm việc làm đến ứng tuyển vẫn rất ít. Theo các chuyên viên nhân sự công ty, đây là tình trạng đáng báo động chung của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực
Theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, các công ty thường rơi vào tình trạng biến động lao động, thiếu hụt nguồn lao động phổ thông là do lực lượng lao động trẻ ngày nay có xu hướng tìm những công việc khác phù hợp hơn so với làm công nhân trong các nhà máy. Bên cạnh đó, công nhân nữ thường nghỉ việc vì không chấp nhận làm ca đêm, cũng như để về quê lập gia đình, sinh con.
Vợ chồng anh Hoàng Ngọc Sỹ, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Panasonic AVC Networks Việt Nam, chia sẻ rằng họ đã làm ở công ty gần 8 năm nhưng mức lương chỉ gần 6 triệu đồng/ tháng cho người chồng, còn người vợ chỉ được hơn 5 triệu đồng/ tháng, vì vậy họ đã quyết định nghỉ việc để buôn bán tự do. Theo lời anh Sỹ, công việc buôn bán này tuy khá vất vả nhưng đổi lại, họ không bị gò bó, lại có thu nhập ổn định hơn so với khi làm công nhân, và vợ chồng anh cũng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho 2 con nhỏ.
Tương tự, anh Phạm Văn Bộ – công nhân một doanh nghiệp gia công giày tại KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, và anh Hồ Quốc Toàn – công nhân pha trộn thuốc thú y tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh, cũng chia sẽ lí do mình quyết định xin nghỉ việc là nhằm tìm một công việc khác phù hợp hơn, mức lương cao hơn và có cơ hội thăng tiến hơn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp chú trọng nhân lực có tay nghề cao, nhưng chất lượng người tìm việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập của thị trường việc làm TP.Hồ Chí Minh. Do đó, vẫn còn tồn tại tình trạng chênh lệch cung – cầu lao động về cả số lượng và chất lượng.